Cho thuê tài chính
Tầng 1, 2 Tòa nhà số 278 Nam Kỳ Khởi Nghĩa , Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
7:30 - 17:30
Thứ 2-Thứ 6
  • Tiếng Việt
  • English
21 Th5 2024

Danata sẵn sàng chặng đường triển vọng

Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng (Danata) vừa tổ chức Lễ ra mắt Ban chấp hành mới nhiệm kỳ 2021-2026 và kết nạp thêm 19 hội viên mới, nâng tổng số thành viên Hiệp hội lên gần 70 doanh nghiệp.

Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của Hiệp hội sau 15 năm hoạt động, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành vận tải hàng hóa đường bộ tại thành phố Đà Nẵng.

Lễ ra mắt Ban chấp hành nhiệm kỳ 2021-2026 và kết nạp hội viên

Lễ ra mắt Ban chấp hành nhiệm kỳ 2021-2026 và kết nạp hội viên

Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng được thành lập từ năm 2009 và chính thức đi vào hoạt động theo Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 05/01/2021 của Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng. Trong suốt quá trình hoạt động, Hiệp hội đã phát huy vai trò là cầu nối giữa các hội viên, cơ quan quản lý nhà nước và các đối tác, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp hội viên, đồng thời hỗ trợ kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong giai đoạn phát triển sắp tới, Hiệp hội đã tiến hành kiện toàn Ban chấp hành nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 7 thành viên. Ông Đinh Hải Tuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội, sẽ giữ chức Chủ tịch Hiệp hội cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ. Với sự tham gia của các thành viên mới trong Ban chấp hành, Hiệp hội kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đổi mới, sáng kiến và hoạt động thiết thực, đóng góp vào sự phát triển chung của ngành vận tải hàng hóa đường bộ tại Đà Nẵng.

Bên cạnh việc ra mắt Ban chấp hành mới, Hiệp hội cũng đã kết nạp thêm 19 hội viên mới, nâng tổng số hội viên của Hiệp hội lên gần 70 doanh nghiệp. Sự gia tăng số lượng hội viên không chỉ thể hiện sự quan tâm, tin tưởng của các doanh nghiệp đối với Hiệp hội mà còn mở ra cơ hội hợp tác, kết nối và hỗ trợ lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong ngành.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch Covid-19, việc Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng tổ chức Lễ ra mắt Ban chấp hành mới và kết nạp hội viên là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự chủ động, nỗ lực của Hiệp hội trong việc đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thách thức và nắm bắt cơ hội phát triển.

Với việc kiện toàn nhân sự và mở rộng hội viên, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Đà Nẵng kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả trong năm 2024 và những năm tiếp theo, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành vận tải hàng hóa đường bộ, đồng thời đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Thanh Anh

(https://banduong.vn/danata-san-sang-chang-duong-trien-vong-d10394.html)

11 Th4 2024

FPT IS chuyển đổi hệ thống Core Leasing cho công ty cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam

FPT IS và Công ty TNHH MTV Cho thuê Tài chính Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Sacombank-SBL) vừa ký kết triển khai dự án Core Leasing – FPT.FINEX. Đây là dự án cho thuê tài chính đầu tiên mà FPT IS triển khai cho khách hàng, đồng thời cũng tích hợp thêm các nghiệp vụ khác. 

-4953-1712808808.jpg

Đại diện FPT IS và Sacombank-SBL trao văn bản ký kết triển khai dự án Core Leasing – FPT.FINEX.

Cụ thể, dự án được cập nhập từ hệ thống SmartBank sang hệ thống mới FPT.FINEX theo 19 phân hệ, dự kiến triển khai xuyên suốt trong vòng 12 tháng và áp dụng cho toàn công ty. Ngoài việc cung cấp giải pháp phần mềm, FPT IS còn cung cấp hạ tầng phần cứng tổng thể cho Sacombank-SBL để đảm bảo hệ thống được đồng bộ và vận hành hiệu quả sau khi đưa vào sử dụng. Từ đó, hệ thống Core sử dụng trong toàn công ty được nâng cấp giúp tăng cao hiệu suất, an toàn bảo mật. Đây cũng là bước khởi điểm để thực hiện hóa mục tiêu phát triển các kênh giao dịch trực tuyến với khách hàng của Sacombank-SBL trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Văn Thành – Ban Kiểm soát Sacombank – cho hay, chuyển đổi số là bước đi không thể tránh khỏi trong hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành ngân hàng. “Sacombank-SBL là một trong những công ty cho thuê tài chính hàng đầu tại Việt Nam, việc đầu tư phát triển hệ thống mới sẽ mang lại nhiều cơ hội mới và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển rộng khắp của Sacombank-SBL trong thời gian tới. Đây là dự án mà Sacombank-SBL đã ấp ủ từ lâu và nay, chúng tôi đã làm được”.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lưu Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sacombank-SBL, khẳng định, với tham vọng trở thành công ty cho thuê tài chính hàng đầu tại Việt Nam, có quy mô hoạt động rộng khắp cả nước, ban lãnh đạo nhận thấy ngoài yếu tố con người và chi phí hoạt động, công nghệ hệ thống vận hành sẽ là ‘vũ khí’ giúp Sacombank-SBL đạt đến mục tiêu. “Việc thay đổi hệ thống cũ, triển khai và đưa Core Leasing vào vận hành đã là mục tiêu mà công ty hướng đến từ lâu. Vì thế, sự kiện ngày hôm nay đánh dấu một bước quan trọng trong hành trình phát triển của chúng tôi, ban lãnh đạo lẫn toàn thể đội dự án đều rất phấn khích và hạnh phúc”.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Sacombank-SBL cũng nhận định thêm rằng, FPT IS là một trong những đơn vị đầu ngành về phát triển giải pháp phần mềm. Trên thị trường, hiện hầu như chưa có nhà cung cấp nào cung cấp được Core cho lĩnh vực cho thuê tài chính. Do đó, việc lựa chọn FPT IS sẽ đảm bảo về kinh nghiệm sâu rộng trong lĩnh vực tài chính cũng như phát triển giải pháp phần mềm, đảm bảo chất lượng dự án luôn đạt được tối đa. Bên cạnh đó, với mối quan hệ hợp tác lâu dài, Sacombank-SBL nhận thấy FPT IS là đối tác mà Sacombank-SBL có thể tin tưởng tuyệt đối và là đối tác hiểu rõ nhất về các thách thức mà công ty đang phải đối mặt.

Đáp lại những kỳ vọng từ phía Sacombank và Sacombank-SBL, anh Đào Hồng Giang, Giám đốc Khối ngành Ngân hàng – Tài chính FPT IS, nhấn mạnh đơn vị cam kết giữ vững trách nhiệm trong việc thực hiện tham vọng của Sacombank-SBL. “Hệ thống Core Leasing – FPT.FINEX là một sản phẩm được sáng tạo và phát triển dành riêng cho ngành tài chính, hứa hẹn sẽ đáp ứng được các nhu cầu thực tiễn của công ty. Với việc cải tiến các tính năng của hệ thống Smartbank, Core Leasing có khả năng phục vụ tốt yêu cầu tác nghiệp – điều hành – hỗ trợ ra quyết định. Đồng thời, hệ thống mới sẽ nâng cấp công nghệ, tăng cao hiệu suất và bảo mật lên mức cao nhất, đặc biệt là khả năng tích hợp với các hệ thống khác”.

-6714-1712808808.jpg

Anh Đào Hồng Giang, Giám đốc Khối ngành Ngân hàng – Tài chính FPT IS, quyết tâm hoàn thành dự án với chất lượng cao nhất.

Việc ký kết hợp tác cùng Sacombank-SBL một lần nữa là minh chứng rõ ràng về tầm nhìn và cam kết của FPT IS tại thị trường Tài chính – Ngân hàng tại Việt Nam, thể hiện quyết tâm của FPT IS trong việc phát triển sâu rộng và bền vững, cũng như thực hiện cam kết về chất lượng và hiệu quả hệ thống.

FPT IS kỳ vọng sẽ đưa mô hình Core Leasing thành mô hình hoạt động nghiệp vụ chuẩn mực, bền vững nhằm mang lại các tiện ích và sự hài lòng tối đa cho Sacombank-SBL, góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động và sự cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.

Nguồn: FPT IS chuyển đổi hệ thống Core Leasing cho công ty cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam (chungta.vn)

30 Th6 2023

Giải pháp phát triển thị trường cho thuê tài chính máy thi công xây dựng tại Việt Nam

1. Xu hướng cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng trên thế giớiĐối với phần lớn các nhà thầu xây dựng, bài toán huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn để đầu tư máy móc thiết bị xây dựng không hề đơn giản. Theo xu hướng phát triển của các nhà thầu xây dựng trên thế giới, việc sở hữu máy móc thi công xây dựng không phải là yếu tố quyết định đến năng lực của nhà thầu. Thay vào đó, cho thuê tài chính đã trở thành một kênh truyền dẫn vốn trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, mở rộng hoạt động thi công xây dựng công trình, nâng cao năng lực cho nhà thầu trong việc tiếp cận công nghệ xây dựng mới với hệ thống máy móc thi công hiện đại với chi phí tài chính hợp lý.

Tại Nhật Bản có gần 240 công ty cho thuê tài chính, gần 97% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này. Tại Trung Quốc, số công ty cho thuê tài chính lên tới 3.200 công ty, gần 65% doanh  nghiệp sử dụng dịch vụ này. Tại Mỹ, khoảng 80% các doanh nghiệp lớn trong danh sách Fortune 500 đều thuê một phần máy móc thiết bị trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thị trường cho thuê tài chính tăng trưởng nhanh cùng với sự tăng trưởng cao của nền kinh tế Nhật Bản. Với tỷ lệ hơn 97% doanh nghiệp tại Nhật Bản đang sử dụng dịch vụ thuê tài chính thì loại tài sản thuê tài chính là máy móc, thiết bị trong ngành công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tỷ rtongj giá trị cho thuê tài chính. Các nhà thầu xây dựng Nhật Bản không ưu tiên việc bỏ tiền để đầu tư máy móc xây dựng, thay vào đó họ ưu tiên phương án thuê tài chính máy thi công. Ba lí do hàng đầu khiến nhà thầu xây dựng Nhật bản chọn sử dụng sản phẩm cho thuê tài chính là:

(i) Không cần vốn ban đầu khi đầu tư thiết bị.

(ii) Tiết kiệm nguồn lực cho các việc quản lý hành chính

(iii) Dễ dàng nắm bắt được chi phí, cập nhật được công nghệ thi công mới cùng thiết bị thi công hiện đại với chi phí tài chính hợp lí.

2. Thực trạng cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng tại Việt Nam và triển vọng phát triển

Công nghệ xây dựng của Việt Nam đã và đang từng bước bắt kịp công nghệ xây dựng hiện đại của khu vực, trước mắt là các nước phát triển ở châu Á. Những năm gần đây, công nghệ xây dựng đã có những bước phát triển tương đối tốt, ví dụ như phương pháp thi công hiện đại, vật liệu tiên tiến đã được nhà thầu xây dựng Việt Nam áp dụng như robot đào hầm tuyến metro, công nghệ bê tông xây dựng nhà siêu cao tầng, công nghệ khoan kích ống ngầm…Tuy nhiên, sự tích cực nêu trên chưa được triển khai rộng rãi, phổ biến trên diện rộng. Bởi lẽ, một số công nghệ muốn áp dụng phải có lượng vốn, tiềm lực tài chính để đầu tư công nghệ xây dựng đồng bộ với hệ thống thiết bị xây dựng để thực hiện công nghệ mới. Số lượng và chất lượng máy móc thi công xây dựng là yếu tố quan trọng để đánh giá tiềm lực và sức khỏe của nhà thầu xây dựng để cạnh trnah trong đấu thầu.

2.1. Thực trạng cơ chế, chính sách đối với thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng tại Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam, công ty cho thuê tài chính đầu tiên được thành lập vào năm  1996, nhưng đến năm 2001, khi Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 2/5/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính được ban hành, hoạt động cho thuê tài chính mới có đầy đỉ môi trường và điều kiện pháp lý để phát triển.

Trên thực tế, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (2018) thì số công ty cho thuê tài chính còn khá ít ỏi, việc tiếp cận khách hàng còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp nói chung và nhà thầu xây dựng nói riêng còn chưa biết đến loại hình tín dụng này. Trong số 11 công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam, có 7 công ty cho thuê tài chính Việt Nam, 1 công ty liên doanh và 3 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ có 5 công ty trong nước và 3 công ty nước ngoài đang hoạt động. Dịch vụ cho thuê tài chính chưa phổ biến là thiệt thòi lớn cho nhà thầu xây dựng Việt Nam. Dư nợ cho thuê tài chính hết quý 1/2018 chỉ vào khoảng 370 triệu USD. Vì vậy, thuê tài chính được đánh giá là còn tiềm năng phát triển mạnh tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhu cầu nguồn vốn trung dài hạn của doanh nghiệp để đầu tư phát triển ngày càng tăng như hiện nay.

Theo Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 7/5/2014 của Chính phủ về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính thì các hình thức cho thuê tài chính mà các công ty được phép kinh doanh ở Việt Nam như sau:

a) Hình thức cho thuê tài chính trong nước

Cho thuê tài chính trong nước là việc công ty cho thuê tài chính đại diện.

Bên thuê sẽ mua tài sản từ Nhà cung cấp ở trong nước và cho Bên thuê thuê lại tài sản theo lịch trình thanh toán thể hiện trên Hợp đồng thuê.

Thuê tài chính trong nước còn là phương thức cấ tín dụng trung và dài hạn cho dự án đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận chuyển của doanh nghiệp.

Khi thuê tài chính thì Bên thuê sẽ tự chọn lựa loại thiết bị, nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất. Họ cũng có thể thương lượng trực tiếp về giá mua, chế độ bảo hành và các dịch vụ hẫu mãi cần thiết với nhà cung cấp. Căn cứ vào đơn xin thuê, công ty cho thuê tài chính sẽ mua đúng loại thiết bị và các dịch vụ kèm  theo và giao cho bên thuê sử dụng. Đến cuối thời hạn thuê, Bên thuê sẽ được chuyển quyền sở hữu thiết bị hay hiểu một cách đơn giản trong thời gian thuê tài chính thì quyền sử dụng tài sản thuê tài chính sẽ thuộc về bên thuê và quyền sở hữu sẽ thuộc về bên cho thuê.

b) Hình thức cho thuê tài chính nhập khẩu

Cho thuê tài chính nhập khẩu là việc công ty cho thuê tài chính đại diện Bên thuê mua tài sản từ Nhà cung cấp ở nước ngoài và cho bên thuê thuê lại tài sản theo lịch trình thanh toán quy định trong hợp đồng thuê.

Một số công ty cho thuê tài chính như công ty cho thuê tài chính Chailease cả hình thức mở tín dụng thư để nhập khẩu tài sản thuê cho khách hàng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể thực hiện nghiệp vụ này.

c) Hình thức cho thuê tài chính mua và cho thuê lại

Mua và cho thuê lại theo hình thức cho thuê tài chính (gọi tắt là Mua và cho thuê lại) là việc công ty cho thuê tài chính mua tài sản thuộc sở hữu Bên thuê và cho bên thuê thuê lại chính tài sản đó theo hình thức cho thuê tài chính để bên thuê tiếp tục sử dụng phục vụ cho hoạt động của mình trong thời gian bên thuê khó khăn về tài chính thanh toán cho nhà cung cấp. Trong giao dịch mua và cho thuê lịa, bên thuê đồng thời là nhà cung cấp tài sản cho thuê.

Đây là cách tài trợ vốn để cơ cấu nguồn vốn lại cho doanh nghiệp trung và dài hạn. các tài sản mà doanh nghiệp đã đầu tư và đã sử dụng sẽ được chuyển quyền sở hữu sang công tu cho thuê tài chính trong thời gian nhất định từ 2-5 năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này có thể được tài trợ lên đến 90% giá trị còn lại của thiết bị. Với phương thức đặc biệt này, các doanh nghiệp sẽ được bổ sung vốn lưu động, cân đối lại nguồn vốn hoặc làm vốn đối ứng mới cho dự án khác, mục đích khác…

Hoặc khi cần nguồn vốn lưu động sản xuất kinh doanh, họ cũng có thể sử dụng dịch vụ này đối với bất kì máy móc thiết bị hiện có nào tại doanh nghiệp. Dịch vụ này giúp các doanh nghiệp có thể trích khấu hao, chuyển thiết bị thành tiền mặt trong khi vẫn còn toàn quyền sử dụng thiết bị.

d) Hình thức cho thuê tài chính cho thuê vận hành

Còn được gọi là cho thuê hoạt động, là hình thức cho thuê tài sản, theo đó khách hàng sử dụng tài sản xho thuê của công ty cho thuê tài chính trong một thời gian nhất định và sẽ hoàn trả lại tài sản đó cho bên cho thuê khi kết thúc thời hạn thuê tài sản. Công ty cho thuê tài chính giữ quyền sở hữu tài sản cho thuê và khách hàng phải có trách nhiệm thanh toán theo hợp đồng thuê.

Một doanh nghiệp không nhất thiết phải sở hữu tài sản để tạo ra lợi nhuận. Với một số ngành nghề đặc thù, chỉ cần sử dụng quyền sử dụng tài sản trong một khoảng thời gian nhất định để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, thành tựu công nghệ phát triển ngày càng nhanh, nên việc mua đứt máy móc thiết bị đặc thù có thể sẽ làm doanh nghiệp vị lạc hậu hay lỗi mốt và gây nhiều trở ngại cho việc phát triển kinh doanh. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp hạn chế các rủi ro về coongg nghệ, giá cả, chi phí bảo trì, sửa chữa, chi phí thanh lý tài sản…Loại hình dịch vụ này rất phù hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng tài sản thuê trong thời gian không quá dài và luôn có nhu cầu cập nhật công nghệ. Đối với lĩnh vực xây dựng ở các nước phát triển, thì đây là một hình thức thuê tài chính máy và thiết bị xây dựng công nghê được các nhà thầu xây dựng lựa chọn để vừa có được máy móc xây dựng với công nghệ hiện đại, đáp ứng tối đa nhu cầu theo các khoảng thời gian xây dựng công trình hoặc thực hiện theo từng gói thầu xây dựng cụ thể.

2.2. Thực trạng thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng tại Việt Nam

Một thực trạng trên thị trường máy xây dựng tại Việt Nam là trong khi thị trường máy xây dựng đa dạng và sôi động như vậy thì các công ty thuê mua tài chính lại không phát triển và chưa trở thành địa chỉ hấp dẫn của các doanh n ghiệp xây dựng trong lĩnh vực thuê mua máy xây dựng.

Thực tế để thi công công trình xây dựng có quy mô lớn như công trình thủy điện, nhiệt điện, hầm lò, dầu khí, các công trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật có quy mô công suất lớn yêu cầu phải đầu tư số vốn ban đầu rất lớn để nhập các loại xe tải nặng, máy móc thi công, đặc chủng như các cần cẩu có sức nâng lớn, hệ thống khoan hiện đại…

Trong điều kiện thị trường cho thuê tài chính máy xây dựng tại Việt Nam còn chưa phát triển, chưa thực sự hấp dẫn thì đối với doanh  nghiệp xây dựng, việc đầu tư mua thiết bị của các công ty thuê mua tài chính bởi thủ tục rườm rà, và phí vận chuyển rất cao. Đó là chưa nói đến các công ty thuê mua tài chính và các đại lý hoạt động trong lĩnh vực này nhiều khi chỉ là môi giới ăn hoa hồng. Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước, các công ty thuê mua tài chính chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp xây lắp lớn. Chính vì lẽ đó mà không ít doanh nghiệp phải bỏ ra một số ngoại tệ rất lớn mua thiết bị, máy móc chỉ dùng một vài lần hoặc một vài năm rồi đắp chiếu để đấy. Đặc biệt đối với những thiết bị đặc chủng như hệ thống khoan thi công hầm, hệ thống cẩu nâng siêu tải trọng…Đây là sự lãng phí rất lớn với nguồn lực máy xây dựng, làm yếu đi năng lực cạnh tranh của các nhà thầu xây dựng trong nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng của ngành xây dựng cùng với sức ép cạnh tranh khốc liệt của các nhà thầu xây dựng nước ngoài trên thị trường xây dựng Việt Nam.

3. Nguyên nhân của các tồn tại và một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng

3.1. Nguyên nhân của các tồn tại và hạn chế

Theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với sự hội nhập của ngành xây dựng thì xu hướng cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng sẽ là xu hướng phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua những phân tích tại mục 2 nêu trên, có thể nhận diện nguyên nhân của các tồn tại và hạn chế trong sự phát triển của thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng theo 3 nguyên nhân sau:

Một là, cơ chế chính sách pháp luật chưa tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ và thông thoáng có xét đến đặc điểm riêng của thị trường máy xây dựng gắn với đặc thù của công trình xây dựng.

Hai là, số lượng các công ty cho thuê tài chính nói chung và chuyên về mảng thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng còn hạn chế.

Ba là, sự quan tâm và hiểu biết của các nhà thầu thi công xây dựng về loại hình thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng còn ở mức độ nhất định. Chưa tạo được sự tin tưởng và hấp dẫn với các nhà thầu.

3.2. Một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng

Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng trong thời gian tới, đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần có những cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển hơn nữa thị trường cho thuê tài chính nói chung và đối với lĩnh vực máy và thiết bị thi công xây dựng nói riêng tại Việt Nam. Tạo điều kiện, hành lang pháp lý để các doanh nghiệp cho thuê tài chính nước ngoài có điều kiện hoạt động tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho thuê tài chính bình đẳng với các nhà cung cấp dịch vụ này trong nước, tạo thành một thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng phát triển minh bạch, lành mạnh.

Thứ hai, các ngân hàng hay doanh nghiệp tài chính trong nước bản thân mình cần đầu tư nguồn lực về công nghệ quản trị, nhân lực, các dịch vụ đi kèm về tư vấn công nghệ, hỗ trợ bảo trì tài sản…Với vị thế trung gian trong giao dịch mua bán tài sản thuê, công ty cho thuê tài chính có thể phát triển quan hệ với các nhà cung cấp lớn nhằm đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.

Thứ ba, cần có cơ chế hấp dẫn để thu hút sự quan tâm và nhu cầu của doanh nghiệp xây lắp trong nước nhận thức được hiệu quả của mô hình thuê mua tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng trong chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cần có những giải pháp, cách thức phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để tạo hành lang pháp lý đối với việc phát triển loại hình này để đa dạng hóa thị trường xây dựng Việt Nam và cũng tạo điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà thầu xây dựng trong nước.

(Nguồn: Tạp chí Kinh tế xây dựng)

25 Th2 2020

Ngân hàng vào cuộc hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi Covid-19

Trang Nguyễn
Thứ Hai,  24/2/2020, 19:11 

(TBKTSG Online) – Trong ngày 24-2, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành văn bản số 1117/NHNN-TD yêu cầu các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 và đến ngày 31-3-2020

Theo nội dung của văn bản trên, hiện nay dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19) diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là các tổ chức tín dụng).

Trước đó vào ngày 14-2-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1-2020, trong đó giao “Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân do ảnh hưởng của dịch”.

Thực hiện chỉ đạo trên của Chính phủ, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng xem xét chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng của khách hàng đang vay vốn do dịch Covid-19.

Theo đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 và đến ngày 31-3-2020, cho đến khi NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Cùng với đó là cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.

Nội dung của văn bản trên nêu rõ, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ phải đảm bảo các yêu cầu về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng về mức độ thiệt hại, ảnh hưởng, khả năng tài chính và khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ;

Tổ chức tín dụng có hướng dẫn triển khai nội dung này thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định cụ thể về: tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19; nội dung kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống. Tổ chức tín dụng chủ động, tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo hướng dẫn tại Công văn này, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ chế để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

Báo cáo NHNN (thông qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế) kết quả thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới theo quy định đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 vào ngày 15-3-2020 và ngày 31-3-2020.

Nguồn: https://www.thesaigontimes.vn/300490/ngan-hang-vao-cuoc-ho-tro-khach-hang-anh-huong-boi-covid-19.html

22 Th1 2020

Thông báo nghỉ Tết Nguyên Đán – Canh Tý

Kính gửi Quý Khách Hàng và Đối tác,

Công ty Sacombank-SBL xin trân trọng thông báo thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán – Canh Tý sẽ bắt đầu từ Thứ 5 ngày 23/01/2020 (tức 29 tháng Chạp âm lịch) đến hết Thứ 4 ngày 29/01/2020 (tức mùng 5 Tết âm lịch). Công ty sẽ trở lại làm việc bình thường vào Thứ 5 ngày 30/01/2020 (tức mùng 6 Tết âm lịch).

Nhân dịp xuân về, công ty Sacombank-SBL kính chúc Quý Khách Hàng và Đối Tác một năm mới Canh Tý an khang, thịnh vượng và hạnh phúc.

Trân trọng,

Sacombank-SBL

11 Th12 2019

ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,9% trong năm 2019

TTO – Ngân hàng Phát triển châu Á tiếp tục lạc quan về triển vọng kinh tế VN, theo dự báo mới nhất của ADB, tăng trưởng GDP của VN năm 2019 đạt 6,9%, trong năm 2020 đạt 6,8%, tăng 0,1% so với dự báo của chính ADB hồi tháng 9 năm nay.

ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam lên 6,9% trong năm 2019 - Ảnh 1.

ADB nới tăng trưởng GDP của VN thêm 0,1% so với dự báo hồi tháng 9 năm nay – Ảnh: TTO

Trong ấn bản bổ sung báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2019 vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ghi nhận mức tăng trưởng GDP của VN trong 3 quý năm 2019 đạt 7,0%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong chín năm qua.

Tiêu dùng cá nhân tăng 7,3%, trong khi đầu tư tăng 7,7% nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư được duy trì và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Với xung lực tăng trưởng mạnh mẽ ngoài dự kiến trong quý 3, nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong quý 4 và sang năm 2020, ADB đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,8% lên 6,9% trong năm 2019, và từ 6,7% lên 6,8% trong năm 2020.

Điều này cho thấy ADB tiếp tục lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.

Ngược lại với đà tăng trưởng ấn tượng của Việt Nam, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế chung của cả châu Á trong năm 2019 và năm 2020 sẽ giảm do tăng trưởng của hai nền kinh tế lớn Trung Quốc, Ấn Độ sụt giảm.

Trong năm 2019, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ đạt 6,1%, tương tự tăng trưởng GDP của Ấn Độ cũng chỉ đạt 5,1%, thấp hơn nhiều mức dự báo trước đó.

Sự sụt giảm của 2 nền kinh tế lớn làm giảm tăng trưởng chung của cả châu Á, theo ADB tăng trưởng GDP của châu Á năm nay theo dự báo của ADB, tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 và năm 2020 chỉ đạt khoảng 5,2%, giảm lần lượt 0,2% và 0,3% so với dự báo của chính ADB hồi tháng 9 năm nay.

Ông Yasuyuki Sawada, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, nhận định mặc dù tốc độ tăng trưởng ở châu Á vẫn vững vàng, song căng thẳng thương mại Mỹ – Trung kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực và hiện đang là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng kinh tế trong dài hạn.

Đầu tư trong nước cũng đang giảm sút ở rất nhiều quốc gia do niềm tin kinh doanh suy yếu. Mặt khác, lạm phát đang gia tăng trong bối cảnh giá lương thực cao hơn, do dịch tả heo Châu Phi khiến giá thịt lợn tăng lên đáng kể, ông Yasuyuki Sawada cho biết thêm.

B.NGỌC
21 Th11 2019

Ngân hàng Nhà nước chính thức siết giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

Ngân hàng Nhà nước chính thức siết giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn

Như định hướng đã đưa ra từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức đưa ra lộ trình siết giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.

Cụ thể, ngày 15/11/2019, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ 01/01/2020.

Như định hướng đưa ra từ đầu năm nay, nhà điều hành thực hiện việc siết lại giới hạn dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng, theo lộ trình rải ra cho đến năm 2022.

Thông tư trên quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn: 01/01/2020 – 30/9/2020 là 40%; 01/10/2020 – 30/9/2021 là 37%; 01/10/2021 – 30/9/2022 là 34%; từ 01/10/2022 là 30%.

Cũng theo thông tư trên, tỷ lệ tối đa dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 85% đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Ngoài ra, ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chưa đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 phải gửi văn bản đến Ngân hàng Nhà nước trước ngày 01/01/2020 nêu rõ lý do tiếp tục thực hiện tỷ lệ an toàn vốn và giải pháp, lộ trình để đảm bảo tuân thủ Thông tư 41 chậm nhất kể từ ngày 01/01/2023.

Như vậy, một trong những điểm quy định của chính sách tiền tệ được chờ đợi trong năm nay đã chính thức chốt lại. Ngân hàng Nhà nước đặt một lộ trình khá dài (ba năm) để từng bước siết lại tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn, nhằm tăng cường an toàn hệ thống và cụ thể về an toàn thanh khoản.

Tỷ lệ này nhiều năm trước đây cũng chỉ quy định 30%, nhưng từ năm 2014 đã bất ngờ được Ngân hàng Nhà nước nới rộng lên 60% để rồi từng bước siết lại như cũ từng bước những năm gần đây và kế hoạch tiếp tục trong ba năm tới.

Theo Lam Giang

Bizlive

Nguồnhttp://cafef.vn/ngan-hang-nha-nuoc-chinh-thuc-siet-gioi-han-dung-von-ngan-han-cho-vay-trung-dai-han-20191121082624471.chn

04 Th10 2019

Từ ngày 1/10, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn

Từ ngày 1/10, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn đối với một số nhóm nhu cầu.

Theo quy định của Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015/TT-NHNN, từ ngày 1/10 các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn đối với một số nhóm nhu cầu.

Cụ thể, Thông tư 42 nêu rõ, sau ngày 30/9/2019 các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh.

Kể từ tháng 10/2019, theo quy định tại Thông tư 42, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay.

Thông tư cũng nêu rõ cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay, trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền thanh toán phải bằng ngoại tệ.

Đồng thời, cho vay để đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư được Quốc hội hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài và đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành trên nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động – cho vay sang quan hệ mua – bán ngoại tệ.

 

Nguồn: https://tuoitre.vn/tu-1-10-dung-cho-vay-ngoai-te-trung-va-dai-han-de-nhap-khau-hang-hoa-2019100116183492.htm