1. Xu hướng cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng trên thế giớiĐối với phần lớn các nhà thầu xây dựng, bài toán huy động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn để đầu tư máy móc thiết bị xây dựng không hề đơn giản. Theo xu hướng phát triển của các nhà thầu xây dựng trên thế giới, việc sở hữu máy móc thi công xây dựng không phải là yếu tố quyết định đến năng lực của nhà thầu. Thay vào đó, cho thuê tài chính đã trở thành một kênh truyền dẫn vốn trung và dài hạn, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, mở rộng hoạt động thi công xây dựng công trình, nâng cao năng lực cho nhà thầu trong việc tiếp cận công nghệ xây dựng mới với hệ thống máy móc thi công hiện đại với chi phí tài chính hợp lý.

Tại Nhật Bản có gần 240 công ty cho thuê tài chính, gần 97% doanh nghiệp sử dụng dịch vụ này. Tại Trung Quốc, số công ty cho thuê tài chính lên tới 3.200 công ty, gần 65% doanh  nghiệp sử dụng dịch vụ này. Tại Mỹ, khoảng 80% các doanh nghiệp lớn trong danh sách Fortune 500 đều thuê một phần máy móc thiết bị trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thị trường cho thuê tài chính tăng trưởng nhanh cùng với sự tăng trưởng cao của nền kinh tế Nhật Bản. Với tỷ lệ hơn 97% doanh nghiệp tại Nhật Bản đang sử dụng dịch vụ thuê tài chính thì loại tài sản thuê tài chính là máy móc, thiết bị trong ngành công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng đáng kể trong tỷ rtongj giá trị cho thuê tài chính. Các nhà thầu xây dựng Nhật Bản không ưu tiên việc bỏ tiền để đầu tư máy móc xây dựng, thay vào đó họ ưu tiên phương án thuê tài chính máy thi công. Ba lí do hàng đầu khiến nhà thầu xây dựng Nhật bản chọn sử dụng sản phẩm cho thuê tài chính là:

(i) Không cần vốn ban đầu khi đầu tư thiết bị.

(ii) Tiết kiệm nguồn lực cho các việc quản lý hành chính

(iii) Dễ dàng nắm bắt được chi phí, cập nhật được công nghệ thi công mới cùng thiết bị thi công hiện đại với chi phí tài chính hợp lí.

2. Thực trạng cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng tại Việt Nam và triển vọng phát triển

Công nghệ xây dựng của Việt Nam đã và đang từng bước bắt kịp công nghệ xây dựng hiện đại của khu vực, trước mắt là các nước phát triển ở châu Á. Những năm gần đây, công nghệ xây dựng đã có những bước phát triển tương đối tốt, ví dụ như phương pháp thi công hiện đại, vật liệu tiên tiến đã được nhà thầu xây dựng Việt Nam áp dụng như robot đào hầm tuyến metro, công nghệ bê tông xây dựng nhà siêu cao tầng, công nghệ khoan kích ống ngầm…Tuy nhiên, sự tích cực nêu trên chưa được triển khai rộng rãi, phổ biến trên diện rộng. Bởi lẽ, một số công nghệ muốn áp dụng phải có lượng vốn, tiềm lực tài chính để đầu tư công nghệ xây dựng đồng bộ với hệ thống thiết bị xây dựng để thực hiện công nghệ mới. Số lượng và chất lượng máy móc thi công xây dựng là yếu tố quan trọng để đánh giá tiềm lực và sức khỏe của nhà thầu xây dựng để cạnh trnah trong đấu thầu.

2.1. Thực trạng cơ chế, chính sách đối với thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng tại Việt Nam

Tại thị trường Việt Nam, công ty cho thuê tài chính đầu tiên được thành lập vào năm  1996, nhưng đến năm 2001, khi Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 2/5/2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của công ty cho thuê tài chính được ban hành, hoạt động cho thuê tài chính mới có đầy đỉ môi trường và điều kiện pháp lý để phát triển.

Trên thực tế, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (2018) thì số công ty cho thuê tài chính còn khá ít ỏi, việc tiếp cận khách hàng còn hạn chế, nhiều doanh nghiệp nói chung và nhà thầu xây dựng nói riêng còn chưa biết đến loại hình tín dụng này. Trong số 11 công ty cho thuê tài chính ở Việt Nam, có 7 công ty cho thuê tài chính Việt Nam, 1 công ty liên doanh và 3 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ có 5 công ty trong nước và 3 công ty nước ngoài đang hoạt động. Dịch vụ cho thuê tài chính chưa phổ biến là thiệt thòi lớn cho nhà thầu xây dựng Việt Nam. Dư nợ cho thuê tài chính hết quý 1/2018 chỉ vào khoảng 370 triệu USD. Vì vậy, thuê tài chính được đánh giá là còn tiềm năng phát triển mạnh tại Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhu cầu nguồn vốn trung dài hạn của doanh nghiệp để đầu tư phát triển ngày càng tăng như hiện nay.

Theo Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 7/5/2014 của Chính phủ về hoạt động của công ty tài chính và công ty cho thuê tài chính thì các hình thức cho thuê tài chính mà các công ty được phép kinh doanh ở Việt Nam như sau:

a) Hình thức cho thuê tài chính trong nước

Cho thuê tài chính trong nước là việc công ty cho thuê tài chính đại diện.

Bên thuê sẽ mua tài sản từ Nhà cung cấp ở trong nước và cho Bên thuê thuê lại tài sản theo lịch trình thanh toán thể hiện trên Hợp đồng thuê.

Thuê tài chính trong nước còn là phương thức cấ tín dụng trung và dài hạn cho dự án đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, phương tiện vận chuyển của doanh nghiệp.

Khi thuê tài chính thì Bên thuê sẽ tự chọn lựa loại thiết bị, nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất. Họ cũng có thể thương lượng trực tiếp về giá mua, chế độ bảo hành và các dịch vụ hẫu mãi cần thiết với nhà cung cấp. Căn cứ vào đơn xin thuê, công ty cho thuê tài chính sẽ mua đúng loại thiết bị và các dịch vụ kèm  theo và giao cho bên thuê sử dụng. Đến cuối thời hạn thuê, Bên thuê sẽ được chuyển quyền sở hữu thiết bị hay hiểu một cách đơn giản trong thời gian thuê tài chính thì quyền sử dụng tài sản thuê tài chính sẽ thuộc về bên thuê và quyền sở hữu sẽ thuộc về bên cho thuê.

b) Hình thức cho thuê tài chính nhập khẩu

Cho thuê tài chính nhập khẩu là việc công ty cho thuê tài chính đại diện Bên thuê mua tài sản từ Nhà cung cấp ở nước ngoài và cho bên thuê thuê lại tài sản theo lịch trình thanh toán quy định trong hợp đồng thuê.

Một số công ty cho thuê tài chính như công ty cho thuê tài chính Chailease cả hình thức mở tín dụng thư để nhập khẩu tài sản thuê cho khách hàng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể thực hiện nghiệp vụ này.

c) Hình thức cho thuê tài chính mua và cho thuê lại

Mua và cho thuê lại theo hình thức cho thuê tài chính (gọi tắt là Mua và cho thuê lại) là việc công ty cho thuê tài chính mua tài sản thuộc sở hữu Bên thuê và cho bên thuê thuê lại chính tài sản đó theo hình thức cho thuê tài chính để bên thuê tiếp tục sử dụng phục vụ cho hoạt động của mình trong thời gian bên thuê khó khăn về tài chính thanh toán cho nhà cung cấp. Trong giao dịch mua và cho thuê lịa, bên thuê đồng thời là nhà cung cấp tài sản cho thuê.

Đây là cách tài trợ vốn để cơ cấu nguồn vốn lại cho doanh nghiệp trung và dài hạn. các tài sản mà doanh nghiệp đã đầu tư và đã sử dụng sẽ được chuyển quyền sở hữu sang công tu cho thuê tài chính trong thời gian nhất định từ 2-5 năm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này có thể được tài trợ lên đến 90% giá trị còn lại của thiết bị. Với phương thức đặc biệt này, các doanh nghiệp sẽ được bổ sung vốn lưu động, cân đối lại nguồn vốn hoặc làm vốn đối ứng mới cho dự án khác, mục đích khác…

Hoặc khi cần nguồn vốn lưu động sản xuất kinh doanh, họ cũng có thể sử dụng dịch vụ này đối với bất kì máy móc thiết bị hiện có nào tại doanh nghiệp. Dịch vụ này giúp các doanh nghiệp có thể trích khấu hao, chuyển thiết bị thành tiền mặt trong khi vẫn còn toàn quyền sử dụng thiết bị.

d) Hình thức cho thuê tài chính cho thuê vận hành

Còn được gọi là cho thuê hoạt động, là hình thức cho thuê tài sản, theo đó khách hàng sử dụng tài sản xho thuê của công ty cho thuê tài chính trong một thời gian nhất định và sẽ hoàn trả lại tài sản đó cho bên cho thuê khi kết thúc thời hạn thuê tài sản. Công ty cho thuê tài chính giữ quyền sở hữu tài sản cho thuê và khách hàng phải có trách nhiệm thanh toán theo hợp đồng thuê.

Một doanh nghiệp không nhất thiết phải sở hữu tài sản để tạo ra lợi nhuận. Với một số ngành nghề đặc thù, chỉ cần sử dụng quyền sử dụng tài sản trong một khoảng thời gian nhất định để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, thành tựu công nghệ phát triển ngày càng nhanh, nên việc mua đứt máy móc thiết bị đặc thù có thể sẽ làm doanh nghiệp vị lạc hậu hay lỗi mốt và gây nhiều trở ngại cho việc phát triển kinh doanh. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp hạn chế các rủi ro về coongg nghệ, giá cả, chi phí bảo trì, sửa chữa, chi phí thanh lý tài sản…Loại hình dịch vụ này rất phù hợp với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng tài sản thuê trong thời gian không quá dài và luôn có nhu cầu cập nhật công nghệ. Đối với lĩnh vực xây dựng ở các nước phát triển, thì đây là một hình thức thuê tài chính máy và thiết bị xây dựng công nghê được các nhà thầu xây dựng lựa chọn để vừa có được máy móc xây dựng với công nghệ hiện đại, đáp ứng tối đa nhu cầu theo các khoảng thời gian xây dựng công trình hoặc thực hiện theo từng gói thầu xây dựng cụ thể.

2.2. Thực trạng thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng tại Việt Nam

Một thực trạng trên thị trường máy xây dựng tại Việt Nam là trong khi thị trường máy xây dựng đa dạng và sôi động như vậy thì các công ty thuê mua tài chính lại không phát triển và chưa trở thành địa chỉ hấp dẫn của các doanh n ghiệp xây dựng trong lĩnh vực thuê mua máy xây dựng.

Thực tế để thi công công trình xây dựng có quy mô lớn như công trình thủy điện, nhiệt điện, hầm lò, dầu khí, các công trình đầu tư hạ tầng kỹ thuật có quy mô công suất lớn yêu cầu phải đầu tư số vốn ban đầu rất lớn để nhập các loại xe tải nặng, máy móc thi công, đặc chủng như các cần cẩu có sức nâng lớn, hệ thống khoan hiện đại…

Trong điều kiện thị trường cho thuê tài chính máy xây dựng tại Việt Nam còn chưa phát triển, chưa thực sự hấp dẫn thì đối với doanh  nghiệp xây dựng, việc đầu tư mua thiết bị của các công ty thuê mua tài chính bởi thủ tục rườm rà, và phí vận chuyển rất cao. Đó là chưa nói đến các công ty thuê mua tài chính và các đại lý hoạt động trong lĩnh vực này nhiều khi chỉ là môi giới ăn hoa hồng. Theo đánh giá của các chuyên gia trong nước, các công ty thuê mua tài chính chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp xây lắp lớn. Chính vì lẽ đó mà không ít doanh nghiệp phải bỏ ra một số ngoại tệ rất lớn mua thiết bị, máy móc chỉ dùng một vài lần hoặc một vài năm rồi đắp chiếu để đấy. Đặc biệt đối với những thiết bị đặc chủng như hệ thống khoan thi công hầm, hệ thống cẩu nâng siêu tải trọng…Đây là sự lãng phí rất lớn với nguồn lực máy xây dựng, làm yếu đi năng lực cạnh tranh của các nhà thầu xây dựng trong nước trong giai đoạn hội nhập sâu rộng của ngành xây dựng cùng với sức ép cạnh tranh khốc liệt của các nhà thầu xây dựng nước ngoài trên thị trường xây dựng Việt Nam.

3. Nguyên nhân của các tồn tại và một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng

3.1. Nguyên nhân của các tồn tại và hạn chế

Theo đánh giá của các chuyên gia, cùng với sự hội nhập của ngành xây dựng thì xu hướng cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng sẽ là xu hướng phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, qua những phân tích tại mục 2 nêu trên, có thể nhận diện nguyên nhân của các tồn tại và hạn chế trong sự phát triển của thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng theo 3 nguyên nhân sau:

Một là, cơ chế chính sách pháp luật chưa tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ và thông thoáng có xét đến đặc điểm riêng của thị trường máy xây dựng gắn với đặc thù của công trình xây dựng.

Hai là, số lượng các công ty cho thuê tài chính nói chung và chuyên về mảng thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng còn hạn chế.

Ba là, sự quan tâm và hiểu biết của các nhà thầu thi công xây dựng về loại hình thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng còn ở mức độ nhất định. Chưa tạo được sự tin tưởng và hấp dẫn với các nhà thầu.

3.2. Một số giải pháp thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng

Để thúc đẩy sự phát triển của thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng trong thời gian tới, đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ có liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần có những cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển hơn nữa thị trường cho thuê tài chính nói chung và đối với lĩnh vực máy và thiết bị thi công xây dựng nói riêng tại Việt Nam. Tạo điều kiện, hành lang pháp lý để các doanh nghiệp cho thuê tài chính nước ngoài có điều kiện hoạt động tại Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho thuê tài chính bình đẳng với các nhà cung cấp dịch vụ này trong nước, tạo thành một thị trường cho thuê tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng phát triển minh bạch, lành mạnh.

Thứ hai, các ngân hàng hay doanh nghiệp tài chính trong nước bản thân mình cần đầu tư nguồn lực về công nghệ quản trị, nhân lực, các dịch vụ đi kèm về tư vấn công nghệ, hỗ trợ bảo trì tài sản…Với vị thế trung gian trong giao dịch mua bán tài sản thuê, công ty cho thuê tài chính có thể phát triển quan hệ với các nhà cung cấp lớn nhằm đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng.

Thứ ba, cần có cơ chế hấp dẫn để thu hút sự quan tâm và nhu cầu của doanh nghiệp xây lắp trong nước nhận thức được hiệu quả của mô hình thuê mua tài chính máy và thiết bị thi công xây dựng trong chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong hội nhập.

Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cần có những giải pháp, cách thức phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để tạo hành lang pháp lý đối với việc phát triển loại hình này để đa dạng hóa thị trường xây dựng Việt Nam và cũng tạo điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh của nhà thầu xây dựng trong nước.

(Nguồn: Tạp chí Kinh tế xây dựng)