CHO THUÊ TÀI CHÍNH: THỊ TRƯỜNG CÒN NHIỀU TIỀM NĂNG
Chính thức hoạt động từ năm 1997, khoảng thời gian 22 năm là khá dài, song đối với các doanh nghiệp Việt Nam, họat động cho thuê tài chính – một hình thức tài trợ tín dụng trung và dài hạn – vốn đã được hình thành và được sử dụng từ rất lâu trên thế giới dường như còn rất mới mẻ. Nguyên nhân là do nền kinh tế Việt Nam mới mở cửa chưa được bao lâu, thói quen giao dịch tín dụng với các Ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác hầu như không thay đổi của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, thói quen đó trong thời gian dài vẫn tồn tại ngoài các yếu tố như: lãi suất đi thuê chưa thật sự hấp dẫn, hoạt động cho thuê tài chính trên thực tế còn vướng một số chính sách cơ chế cần sửa đổi, tháo gỡ cho phù hợp với sự phát triển chung của toàn xã hội,… thì một phần lớn là do thông tin về họat động cho thuê tài chính, các tiện ích mà các công ty cho thuê tài chính mang lại cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ thuê tài chính chưa thật đầy đủ.
Thực tế, chiếm đại đa số khách hàng giao dịch với các công ty cho thuê tài chính hiện tại là do sự giới thiệu từ “Ngân hàng mẹ”, nơi sáng lập ra phần lớn các công ty cho thuê tài chính hiện nay, và từ các nhà cung cấp các lọai máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải,… còn lượng khách hàng tìm đến do uy tín, họat động, thương hiệu được quảng bá,… của các công ty cho thuê tài chính là rất ít. Nhiều doanh nghiệp chưa hiểu rõ bản chất cấp tín dụng của dịch vụ cho thuê tài chính, chưa thấy rõ được hiệu quả, lợi ích từ dịch vụ cho thuê tài chính mang lại.
Theo kết quả nghiên cứu của quỹ hỗ trợ dự án Mêkông (MPDF) và Viện quản lý kinh tế TW tiến hành năm 2006 thì nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu là bằng nội lực. Điều này hạn chế khả năng phát triển quy mô sản xuất kinh doanh và tiếp cận các công nghệ mới tiên tiến của thế giới để tăng chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh trên thị trường, trong khi số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đến 80% doanh nghiệp họat động tại Việt Nam. Một điều đáng chú ý khác là trong cuộc khảo sát này, gần 50% doanh nghiệp bị thiếu thông tin về các công ty cho thuê tài chính. Vì thế khi có nhu cầu về vốn để đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị, các doanh nghiệp vẫn tìm đến các Ngân hàng để vay vốn mặc dù ở đây thủ tục rất chặt chẽ và điều kiện để vay khó. Điều đó cho thấy trong thời gian tới, để thúc đẩy sự tăng trưởng dư nợ cho thuê và khẳng định họat động cho thuê tài chính là một kênh tài trợ tín dụng hiệu quả và không thể thiếu của nền kinh tế, các công ty cho thuê tài chính còn rất nhiều việc phải làm, trong đó họat động marketing, quảng bá thương hiệu cần được đánh giá đúng mực.
Hiện tại Việt Nam có 13 công ty cho thuê tài chính đang họat động gồm 08 công ty trực thuộc các Ngân hàng thương mại có vốn điều lệ do các Ngân hàng mẹ cấp, còn lại gồm 01 công ty liên doanh, 01 công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam và 03 công ty có vốn đầu tư 100% nước ngoài. Các công ty cho thuê tài chính chủ yếu đặt trụ sở tại địa bàn TPHCM. Tính đến cuối năm 2008, dư nợ cho thuê tài chính toàn ngành đạt 13.969 tỷ đồng, tăng khoảng 4.000 tỷ đồng, 34% so với năm 2007 và gấp 17 lần so với năm 2000. Đây là một thành công rất đáng khích lệ của các công ty cho thuê tài chính.
Sau 13 năm phát triển bền vững, nhờ vào hệ thống mạng lưới rộng lớn của Sacombank, Công ty Cho thuê Tài chính Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank- SBL) đã mở Chi nhánh ở khu vực phía Bắc đặt tại Hà Nội và hiện đang có hơn 300 khách hàng tin tưởng sử dụng dịch vụ cho thuê tài chính của công ty. Ngoài ra, công ty cũng tự hào là công ty CTTC duy nhất tại Việt Nam nhận được sự tín nhiệm và hỗ trợ tài chính của các định chế tài chính quốc tế như FMO của Hà Lan, Norfund của Na Uy và Ngân Hàng Phát triển Châu Á (ADB).